Cẩm Tây - Vùng đất - Con người và truyền thống
Cẩm Tây xưa vốn là trung tâm kinh tế, văn hóa thời thuộc Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ nơi đây là một trong những địa phương của Thị xã Cẩm Phả luôn kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần cách mạng, tiến công của giai cấp công nhân vùng Mỏ với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”. Phía Đông giáp phường Cẩm Đông, phía Tây giáp phường Cẩm Thành, phía Nam giáp phường Cẩm Bình, phía Bắc giáp phường Mông Dương và xã Dương Huy. Phường có diện tích đất tự nhiên 4,88km2 trong đó có 87,2% diện tích là đồi núi và khai trường của nhiều công ty, xí nghiệp thuộc ngành than, 12,8 % diện tích của phường là đất bằng, tập trung các khu dân cư có mật độ dân số cao. Phường được chia thành 8 khu phố, 51 tổ dân với tổng số 1882 hộ = 7.169 nhân khẩu.
Toàn cảnh phường Cẩm Tây xưa
Từ khi thành lập phường, đặc biệt là từ khi bước vào thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo (năm 1986), Cẩm Tây có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Phường Cẩm Tây từ một địa phương còn nhiều khó khăn nay đã trở thành một phường có kinh tế phát triển năng động với cơ cấu kinh tế được chuyển dịch sang thương mại - dịch vụ, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và cơ khí.
Toàn cảnh phường Cẩm Tây ngày nay
Là phường được thiên nhiên ưu đãi có cả đồi núi và gần biển nên khí hậu của Cẩm Tây tương đối ôn hòa. Quốc lộ 18A nối liền Cẩm Tây với các phường, xã của thành phố rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về tài nguyên khoáng sản, than đá là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, đáp ứng lâu dài cho sản xuất trong nước và phục vụ xuất khẩu. Cẩm Tây cũng là vùng đất có địa tầng ổn định, vững chắc nên rất thuận lợi trong đầu tư xây dựng các công trình kiên cố, cao tầng trong xây dựng đô thị hiện đại.
Bác Hồ về thăm Công trường than Đèo Nai ngày 30/3/1959
Với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Số hộ khá, giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm mạnh. Từ đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nơi đây đã xây dựng lên môth phường đông vui, sầm uất; một đô thị của thành phố trẻ, hiện đại, đầy sức sống, một điểm nhấn về kinh tế - xã hội của thành phố trẻ Cẩm Phả.
Nhà Văn hóa Công nhân thành phố
Quảng trường 12/11 nơi xưa kia diễn ra cuộc Tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ
(Người thực hiện: Trần Thị Thùy)